ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước, tuy nhiên tiềm năng và lợi thế phát triển của vùng chưa được phát huy đúng mức, do đầu tư chưa tương xứng và xuất phát từ khó khăn nội tại trong quá trình phát triển. Vùng đang cần khung chiến lược toàn diện và quy hoạch tích hợp để làm cơ sở cho triển khai các chương trình, dự án đầu tư một cách đồng bộ, phát huy tối đa nguồn lực hiện có và thích ứng với điều kiện mới.
Cần đầu tư tương xứng
Vùng ÐBSCL đóng góp khoảng 18,7% GDP cả nước. Giai đoạn 2016-2020, theo Bộ Kế hoạch và Ðầu tư (KH&ÐT), ngân sách đầu tư cho vùng khoảng 193.000 tỉ đồng (trong đó ngân sách Trung ương khoảng 79.000 tỉ đồng), chiếm khoảng 18% tổng vốn đầu tư cả nước. Theo nhận định của các chuyên gia, mức đầu tư này chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của vùng, dù đã có nhiều công trình hạ tầng cơ sở, đặc biệt là hạ tầng giao thông được khởi công và hoàn thành, nhưng vẫn chưa gỡ hết điểm nghẽn phát triển của ÐBSCL.
Bộ KH&ÐT đang tổ chức các hội nghị tham vấn ý kiến của bộ, ngành Trung ương, địa phương, nhà khoa học, chuyên gia và nhà tài trợ về quy hoạch tổng thể vùng ÐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để hoàn chỉnh quy hoạch, tạo bứt phá cho vùng giai đoạn tới. Và mới đây, trong báo cáo giải trình trước Quốc hội, lãnh đạo Bộ KH&ÐT cũng thông tin, Thủ tướng đã đồng ý tăng thêm nguồn lực đầu tư cho vùng khoảng 2 tỉ USD trong giai đoạn tới. Ngoài ra, giai đoạn 2021-2025, Bộ KH&ÐT sẽ xây dựng dự án hỗ trợ ngân sách địa phương thông qua các nhà tài trợ khoảng 1,05 tỉ USD (vốn ODA) để tập trung cho các công trình giao thông đường ven biển của ÐBSCL và một số dự án giao thông trọng điểm tại vùng.
TS Trần Hữu Hiệp, chuyên gia kinh tế ÐBSCL, cho rằng: Thông tin Thủ tướng đồng ý tăng thêm nguồn lực 2 tỉ USD cho vùng ÐBSCL đầu tư hạ tầng thiết yếu là một tin vui để triển khai những dự án bức thiết, tạo điều kiện và là lực đẩy phát triển kinh tế – xã hội vùng. Diện mạo giao thông của vùng ÐBSCL có những điểm son: Nhiều cầu vượt sông lớn như Mỹ Thuận, Cần Thơ, Rạch Miễu, Cổ Chiên, Ðầm Cùng, Cao Lãnh, Vàm Cống, Mỹ Lợi… đã kết nối giao thông của vùng; các tuyến giao thông trục dọc, trục ngang đã được đầu tư. Nhưng nhìn tổng thể vẫn còn những điểm nghẽn, giao thông là bức xúc nhất. Vì vậy, cần dùng nguồn vốn tăng thêm này gỡ nút thắt giao thông liên kết vùng, tạo cái mới, chứ không nên phân bổ theo đơn vị hành chính, theo tỉnh, phát huy tính liên kết vùng là đòi hỏi đầu tiên.
Theo TS Trần Hữu Hiệp, khi đầu tư cho hạ tầng giao thông thì các công trình giao thông phải là liên vùng, tối thiểu phải kết nối các tiểu vùng kinh kế, tiểu vùng sinh thái hoặc giữa các địa phương lân cận với nhau. Các dự án phải ưu tiên tính liên vùng, phân kỳ đầu tư hợp lý và cơ chế minh bạch ngay từ đầu, bắt đầu từ chủ trương đầu tư. Bài học kinh nghiệm là công trình Trung Lương – Mỹ Thuận đến nay 12 năm với 3 lần thay đổi nguồn vốn, 3 lần khởi công. Ðây là bài học cho các dự án khác. Vì vậy, cần có cơ chế kiểm soát, minh bạch hóa ngay từ bắt đầu dự án.
Tăng sức chống chịu cho ĐBSCL
Thời gian qua, có nhiều chính sách, nghị quyết quan trọng của Trung ương cho sự phát triển kinh tế – xã hội vùng ÐBSCL. Trong đó, theo nhận định của các chuyên gia, Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17-11-2017 của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ÐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (Nghị quyết 120) không chỉ thay đổi tư duy nhận thức về tài nguyên mà còn định hướng cho sự phát triển toàn diện của ÐBSCL.
Ths Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia nghiên cứu độc lập về hệ sinh thái vùng ÐBSCL, cho biết: ÐBSCL có tiềm năng nhưng đúng là đầu tư chưa thỏa đáng. Về nông nghiệp, chúng ta đã theo đuổi nền nông nghiệp thuần túy chạy theo sản lượng, giá trị thấp trong một thời gian dài. Theo đó, Chính phủ đã đầu tư khá nhiều cho ÐBSCL, nhưng nguồn lực lại tập trung cho công trình chống lũ, chống mặn và gần đây đã chuyển sang kiểm soát lũ, kiểm soát mặn để phục vụ cho mục tiêu tối đa hóa sản lượng lúa. Sản lượng lúa tăng nhanh đã đưa Việt Nam thành quốc gia xuất khẩu gạo nhất, nhì thế giới. Nhưng con đường này không bền vững, không thể tiếp tục kéo dài. Có thể nói, ÐBSCL đang đứng trước ngã ba đường cần chuyển đổi và con đường mới chính là những định hướng của Nghị quyết 120 của Chính phủ.
Theo Ths Nguyễn Hữu Thiện, tại ngã ba đường đi tới tương lai, các khoản đầu tư cho ÐBSCL nên tập trung vào xây dựng lối đi mới hơn là vẫn “giặm vá” con đường cũ. Về định hướng, nên tập trung vào việc chuyển đổi nền nông nghiệp theo hướng giảm thâm canh lúa, tập trung vào chất lượng, gia tăng chế biến và chuyển đổi hệ thống canh tác vùng ven biển thuận theo hai mùa mặn ngọt tự nhiên. Cụ thể về đầu tư: người dân muốn chuyển đổi nhưng không đủ nguồn lực, Chính phủ nên có hẳn một gói để hỗ trợ người dân chuyển đổi, xây dựng sinh kế thay thế trong mùa lũ như nuôi thủy sản, trồng sen, trồng lúa mùa. Ở ven biển thì cần các công trình cục bộ để kiểm soát mặn trong những lúc giao mùa mặn – ngọt. Cần có chương trình giải quyết nhu cầu nước sinh hoạt ven biển, kể cả hỗ trợ áp dụng kinh nghiệm truyền thống ở cấp hộ gia đình. Tiếp theo là đầu tư vào chế biến, cần có các cụm chế biến cho các tiểu vùng theo các sản phẩm chủ lực của các vùng ấy. Còn lại là mạng lưới giao thông và đầu tư để phát triển dịch vụ logistics.
Vấn đề cốt yếu nhất để vùng ÐBSCL phát triển bền vững, ngoài nguồn lực đầu tư thì liên kết vùng cần được tính toán cụ thể. Theo các chuyên gia, liên kết vùng là một nhu cầu tất yếu để tránh trùng lắp, cạnh tranh với nhau không cần thiết và để cộng lực với nhau. Có những vấn đề về biến đổi khí hậu không thể giải quyết theo ranh giới hành chính từng địa phương mà phải giải quyết trên bình diện đồng bằng. Ví dụ, vùng trên làm lúa ba vụ với đê bao khép kín gây ảnh hưởng vùng dưới; khai thác cát một nơi gây “đói cát” và sạt lở ở nơi khác. Du lịch chẳng hạn, cũng cần liên kết để tránh nhàm chán, du khách đi một nơi là đã biết tất cả vì chỉ tương tự như nhau. Ths Nguyễn Hữu Thiện khẳng định: Liên kết vùng không nên hiểu đơn giản máy móc là tìm sản phẩm nông nghiệp chủ lực của các tỉnh rồi liên kết theo sản phẩm. Liên kết vùng phải được hiểu rộng hơn.
GIA BẢO