Kênh xáng Xà No từ lâu được xem là con đường lúa gạo của vùng Tây sông Hậu. Kênh dài khoảng 40km, bắt đầu từ sông Cái Lớn (nơi giáp ranh Kiên Giang với Hậu Giang) chạy dài qua trung tâm TP Vị Thanh, huyện Vị Thủy rồi đến Vàm Xáng (huyện Phong Điền, Cần Thơ). Hậu Giang đang muốn khơi dòng hành trình du lịch xuôi dòng Xà No.
Sữa dê tươi và phô mai do nông dân làm
Một buổi sáng cuối tuần, ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty Dịch vụ du lịch Vòng Tròn Việt (TPHCM) và ông Stiermann Martin, Giám đốc Khu nghỉ dưỡng RiceField Logde (Cần Thơ) cùng một nhóm người đã xuôi dòng Xà No để khai phá tour du lịch bằng ca nô cao tốc. Ông Stiermann Martin là người cầm lái ca nô rời Khu nghỉ dưỡng RiceField Logde ở xã Trường Long, huyện Phong Điền, Cần Thơ ra đầu kênh xáng Xà No và bắt đầu hành trình xuôi dòng Xà No.
Sinh thời, nhà văn Sơn Nam đã từng viết: “Kênh xáng Xà No là con kênh quan trọng nhất vùng Hậu Giang do người Pháp cho đào từ đầu thế kỷ 20 – nối từ Cần Thơ qua Kiên Giang, vùng trồng lúa quan trọng ven sông Hậu. Từ kênh lớn này có những con kênh sườn, cứ cách 500m thì đào một kênh nhỏ, 1.000m đào một kênh lớn. Hệ thống kênh này đã dẫn nguồn nước ngọt từ sông Hậu vô tưới những đồng lúa bạt ngàn. Rồi từ đây, ghe xuồng lại chở lúa ra kênh Xà No nơi có những chiếc sà lan lớn đang chờ ăn lúa đưa về Cần Thơ, Kiên Giang, Sài Gòn và nhiều nơi khác. Kênh Xà No vẫn được coi là “con đường lúa gạo” của miền Tây sông Hậu”.
Trong hành trình xuôi dòng Xà No, ông Stiermann Martin và chuyên gia du lịch Phan Đình Huê đã tham quan làng hoa Xáng Mới, nhà máy xay xát lúa gạo có từ thời Pháp thuộc (dọc kênh xáng Xà No hiện có khoảng 10 nhà máy như vậy); thăm Hợp tác xã Xoài cát Hòa Lộc VietGAP Bảy Ngàn rộng 20ha; thăm những hộ dân làm nghề đóng ghe xuồng; thăm trang trại nuôi dê lấy sữa và sản xuất phô mai. Và điểm “khóa đuôi” xuôi dòng Xà No là tham quan vùng trồng thơm Cầu Đúc ở Hỏa Lựu, Vị Thanh, nơi trồng thơm lớn nhất vùng ĐBSCL với 2.000ha.
“Du lịch xuôi dòng kênh xáng Xà No có nhiều tiềm năng là một tour du lịch nông nghiệp hấp dẫn, kỳ vọng sẽ thu hút được nhiều du khách. Nơi đây có tự nhiên sông nước, có sản xuất nông nghiệp, thương mại, văn hóa lẫn những con người thân thiện. Ấn tượng nhất là thăm trang trại nuôi dê ở giữa đồng và gần sông nước. Tuyệt vời vì được đi qua những con đường nông thôn không có bê tông, được trải nghiệm, thưởng thức sữa dê tươi và phô mai do nông dân làm ra”, ông Stiermann Martin nhận định.
Điểm nhấn sông nước miệt vườn
“Hậu Giang đã và đang dành nhiều tâm quyết để tập huấn, đào tạo nhân lực nông nghiệp song song với đào tạo bà con nông dân phát triển du lịch một cách chuyên nghiệp, có hiệu quả hơn; tổ chức cho nông dân có điều kiện và có tâm huyết làm du lịch tham gia các đợt học tập kinh nghiệm mô hình du lịch nông nghiệp đã làm ăn hiệu quả ở các địa phương có điều kiện tương đồng với tỉnh Hậu Giang, từ đó có những sáng tạo trong xây dựng mô hình phù hợp”, bà Nguyễn Thị Lý, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Hậu Giang, cho biết.
Du lịch nông nghiệp của Hậu Giang còn ở mức tiềm năng. Nhưng ở khía cạnh đầu tư, đây lại là lợi thế lớn nếu địa phương cùng nhau hợp tác và quyết tâm đi những bước thật nhanh, đúng hướng, đón đầu xu hướng thế giới. Hậu Giang sẵn sàng hợp tác và cần tiếp nhận công nghệ làm du lịch để làm giàu hơn, đặc sắc hơn các sản phẩm du lịch hiện có, thích ứng với nhu cầu của thị trường. Và phải làm sao để du khách biết đến Hậu Giang và các sản phẩm du lịch đó. Theo ông Phan Đình Huê, kỳ nghỉ vùng quê đang là xu hướng du lịch của châu Âu.
“Kênh xáng Xà No ít có ghe xuồng nhỏ và có bờ kè tốt, cho nên mở tour ca nô cao tốc không sợ gây sạt lở bờ sông như ở Cà Mau. Khách đi về trong ngày là ổn, giá tour từ 6-8 triệu đồng cho một đoàn từ 6-8 người. Đây là tour phù hợp với du khách cao cấp”, ông Phan Đình Huê nhận định. Ông cũng gợi ý thêm: Hậu Giang cần hình thành chuỗi dịch vụ từ điểm đầu kênh xáng Xà No (Hậu Giang) đến điểm cuối bên bờ sông Cái Lớn (Kiên Giang).
“Từ năm 1901, tiềm năng về phát triển nông nghiệp của tỉnh Hậu Giang đã được người Pháp phát hiện và đánh thức bằng việc cho xây dựng nên hệ thống kênh xáng Xà No, công trình thủy nông lớn nhất Nam kỳ thời đó, đã thực sự trở thành con đường nông sản sôi động nhất của khu vực ĐBSCL. Qua hơn 100 năm, nền nông nghiệp của tỉnh Hậu Giang đã có bước phát triển rất đáng ghi nhận, vùng sản xuất nông nghiệp đa dạng, phong phú, rộng lớn với nhiều nông sản chủ lực và nhiều mặt hàng đặc sản có giá trị khác. Tỉnh đang dần hình thành những vùng sản xuất tập trung, những cánh đồng lớn, với các tổ hợp tác, hợp tác xã và những nông dân tiên tiến. Đó là những nét chấm phá trong hành trình phát triển du lịch kênh xáng Xà No, một điểm nhấn quan trọng cho du lịch Hậu Giang”, ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, nhận định.
CAO PHONG