Khi những chiếc cầu được dựng lên cũng là lúc những chuyến thuyền trở nên thưa thớt dần. Chợ nổi Ngã Bảy , nơi giao thương bậc nhất miền Tây Nam Bộ một thời , đã bị ảnh hưởng rõ rệt theo cách mà không ai có thể nghĩ tới. Giờ đây , khi không còn nhộn nhịp như trước nữa , người dân miền Tây lẫn chính quyền địa phương vẫn ra sức lưu giữ và phát huy nét đẹp truyền thống nổi bật của vùng đất phương Nam .

Chợ nổi Ngã Bảy với tên gọi khác là chợ Phụng Hiệp, được hình thành vào năm 1915 , là nơi giao nhau của 7 tuyến sông bao gồm Cái Côn , Búng Tàu , Mang Cá , Sóc Trăng , Xẻo Môn, Lái Hiếu , Xẻo Vong. Nằm ở tuyến sông trọng điểm nên chợ nổi Ngã Bảy nhanh chóng trở thành trung tâm giao thương , nơi quy tụ tinh hoa của đất miền Tây. Nếu có dịp đến chợ nổi vào những ngày còn hưng thịnh , có lẽ bạn sẽ không thể quên hình ảnh tấp nập ghe , thuyền với đầy ắp hàng hóa. Hoạt động buôn bán diễn ra sôi nổi mỗi ngày , niềm vui luôn hiện hữu trên khuôn mặt thương lái lẫn chủ vựa.
Lúc bấy giờ , hàng hóa nổi bật nhất ở vùng sông nước vẫn là đặc sản trái cây theo mùa, đến mùa nào thì được ăn trái nấy. Vốn được thiên nhiên ưu đãi về điều kiện khí hậu và tài nguyên , nơi đây được xem như mảnh đất vàng để canh tác , trồng trọt. Phần lớn hoa thơm quả ngọt của nước ta đều xuất phát từ chính miền Tây Nam Bộ. Sự phát triển tột độ của chợ cũng là lý do các làng nghề truyền thống dọc tuyến sông như đóng ghe , đan cần xé , trồng rẫy…đua nhau ra đời.

Những phiên chợ nổi thường bắt đầu từ 5h sáng kéo dài đến 8h. Đến cuối ngày gần như chỉ còn một vài món đồ dư sót lại. Hằng ngày , số lượng ghe tàu lui tới chợ có khi lên đến 1000 chiếc , ngoài bày bán các mặt hàng trái cây , thực phẩm tươi sống , thì còn có cả những món ăn dân dã nổi tiếng như cháo lòng , bún , hủ tíu…Các món ăn từng được cánh báo giới và người nổi tiếng thế giới hết lời khen ngợi. Nếu nói rằng chính những món ăn này đã góp phần đưa tên tuổi Việt Nam được phổ biến rộng rãi hơn cũng không ngoa.
Khách du lịch khi đặt chân đến miền Tây đều thích thú trước mô hình sinh thái miệt vườn độc đáo này. Ngồi trên thuyền thưởng thức ẩm thực địa phương , vừa ngắm sông vừa ngắm thuyền.

Vẻ đẹp văn hóa của chợ nổi Ngã Bảy thậm chí đã để lại ấn tượng sâu sắc cho các nhà thơ , nhạc sĩ thời điểm ấy. Biết bao tác phẩm nghệ thuật ra đời làm say đắm lòng người , nổi bật trong đó có tác phẩm “Tình anh bán chiếu”. Chuyện tình về chàng trai bán chiếu si tình , đi tìm cô gái mình yêu trên dòng kênh Ngã Bảy , nhưng tiếc thay cô gái đã lẳng lặng đi lấy chồng. Những tác phẩm khắc họa lại bức tranh chợ nổi một cách chân thực và nhiều cảm xúc nhất. Đây được xem như cách để lưu giữ lại những kí ức tươi đẹp về một chợ đầu mối nức tiếng một thời.

Chính vì tần suất lưu thông dày đặc ảnh hưởng đến giao thông đường thủy và ô nhiễm môi trường mà chợ nổi Ngã Bảy buộc phải di dời sang kênh Ba Ngàn. Nguyên nhân chính khiến mọi thứ về chợ dần chìm vào quên lãng. Ngôi chợ đã không thể tiếp tục duy trì sinh hoạt sôi nổi như thuở khai sinh , khi giao thông đường bộ ngày càng phát triển đi kèm với sự bất tiện của nơi “cư trú” mới.

Và dự án chợ du lịch Xà No đang được thi công trong tương lai như một cú hích , hi vọng sẽ đưa chợ nổi Ngã Bảy trở lại thời hoàng kim đã từng.