Sân bay Long Thành có công suất 25 triệu hành khách mỗi năm, tổng đầu tư giai đoạn một hơn 4,6 tỷ USD (hơn 109.000 tỷ đồng).
Ngày 11/11, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn một. Đây sẽ là cảng hàng không quốc tế quan trọng của quốc gia và là một trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực.
Sân bay Long Thành giai đoạn một có một đường cất hạ cánh, một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách, 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Công trình dự kiến hoàn thành năm 2025.
Dự án được chia thành 4 dự án thành phần gồm: các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước; công trình phục vụ quản lý bay; công trình thiết yếu trong cảng hàng không và các công trình khác. Trong đó, các công trình thiết yếu như công trình khu bay, sân đỗ máy bay, nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa… được giao cho Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư bằng nguồn vốn của doanh nghiệp.
Các hạng mục xây dựng chính của sân bay gồm: đường cất hạ cánh có chiều dài 4.000 m, chiều rộng 75 m và hệ thống đường lăn, sân đỗ; nhà ga hành khách có công suất thiết kế 25 triệu khách/năm, tổng diện tích sàn 373.000 m2.
Cảng Hàng không quốc tế Long Thành sẽ được áp dụng các công nghệ hiện đại và có tính mở để có thể dễ dàng cập nhật các công nghệ tiên tiến nhất trong việc đầu tư xây dựng, quản lý và vận hành khai thác theo tiêu chuẩn quốc tế.
Dự án được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư giữa năm 2017 và ban hành nghị quyết về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để triển khai xây dựng.
Đầu tháng 10, Chính phủ chỉ đạo tỉnh Đồng Nai quyết liệt, khẩn trương bàn giao mặt bằng trong tháng 10, kịp khởi công đầu năm 2021.
Sân bay Long Thành được quy hoạch theo 3 giai đoạn đến năm 2040, bao gồm: 4 đường cất hạ cánh, 4 nhà ga hành khách và các hạng mục phụ trợ đảm bảo công suất phục vụ 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hoá mỗi năm.