Tại Kiên Giang, sau giai đoạn sôi động của thị trường Phú Quốc, dòng tiền đầu tư bắt đầu chuyển hướng sang Hà Tiên, Rạch Giá. Đất nền ở một số khu vực tại đây từ mức 5 – 7 triệu đồng/m2 đã tăng lên 10-20 triệu đồng/m2 ở giai đoạn này sau khoảng 2 năm.
Điểm đến mới của nhà đầu tư địa ốc
Bên cạnh các thị trường như Long An, Cần Thơ thì Kiên Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang…đang trở thành điểm đến mới của nhiều đại gia BĐS, bởi quỹ đất rộng, dư địa phát triển thị trường còn rất lớn. Trong đó, tại Kiên Giang bên cạnh sự nhộn nhịp khá lâu của thị trường Phú Quốc thì Rạch Giá, Hà Tiên đang trở thành những mảnh đất mới giàu tiềm năng.Những thị trường mới nổi này đang trở thành vùng đất mới hút dòng vốn của nhiều doanh nghiệp BĐS với loạt dự án quy mô bắt đầu xuất hiện tại đây, từ căn hộ, nhà phố đến đất nền ven biển…
Theo ghi nhận, tại Kiên Giang, sau giai đoạn sôi động của thị trường Phú Quốc, làn sóng đầu tư bắt đầu chuyển hướng sang Hà Tiên, Rạch Giá. Đất nền ở một số nơi từ mức 5 – 7 triệu đồng/m2 đã tăng lên đến 10 -20 triệu đồng /m2, tính trong vòng 1.5 năm. Tuy vậy, đây vẫn là mảnh đất màu mỡ của NĐT địa ốc khi mà dư địa tăng giá còn cao trong tương lai.
Tương tự, Bến Tre, Đồng Tháp, Hậu Giang… cũng đang là những thị trường được cả doanh nghiệp lẫn người mua quan tâm do còn nhiều dư địa phát triển. Hiện giá đất tại hầu hết các khu vực này đều tăng khoảng 30 – 35% so với năm 2016. Do đó, giới BĐS đang chuyển dòng vốn của mình qua các tỉnh có thị trường sơ khai, giá đất mềm và dư địa tăng cao.
Trong khi đó, tại các thị trường phát triển lâu năm như Long An, Cần Thơ giá đất đã tăng trưởng khá mạnh trong thời gian qua. Chẳng hạn tại Cần Thơ, các dự án gần trung tâm Thành phố, gần Lộ lớn có giá bình quân từ 40 – 60 triệu đồng/m2. Dự án nằm lớp trong, tiếp giáp Lộ nhỏ có mức giá từ 19 -30 triệu đồng/m2. Tương tư, tại Long An, giá hiện tại đã dao động từ 21 – 26 triệu đồng/m2.
Theo ghi nhận, từ 2018 đến nay, hàng loạt “ông lớn” trong ngành địa ốc như như Vingroup, Mường Thanh, Văn Phú Invest, Phú Cường Group, CEO Group, Sun Group, Kita Invest Group, FLC Group, Thủ Đức House, Nam Long Group, LDG Group, T&T Group, DIC Group, CNT Group… đã và đang đổ bộ vào thị trường Tây Nam Bộ với nhiều dự án ở tất cả các phân khúc khác nhau. Đi cùng với đó là hoạt động đầu tư, giao dịch cũng bắt đầu “tăng nhiệt” rõ nét tại thị trường này.
Không phải ngẫu nhiên các thị trường BĐS mới nổi lại thu hút sự quan tâm của các đại gia BĐS lẫn NĐT cá nhân. Thống kê của TP.Hà Tiên cho biết, hiện nay toàn thành phố đang có 200 công trình đang và sắp khởi động. Tổng số vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng. Tiêu điểm phải kể đến cảng Bãi Nò (419 tỷ), Khu du lịch Mũi Nai – Núi Đèn (300 tỷ), KDL Tà Lu – Mũi Nai ( 100 tỷ), KDL Nam Hà Tiên (918 tỷ),…
Xét về mặt bằng giá thì Hà Tiên đang chiếm nhiều ưu thế vì đây là thành phố nằm ngay cửa ngõ du lịch Phú Quốc nhưng giá bất động sản cực kỳ cạnh tranh. Trong khi giá bán BĐS ven biển tại các TP biển lâu năm đã dao động ở ngưỡng 80-100 triệu/m2 thì tại Hà Tiên, ngay cung đường ven biển trung tâm thành phố hiện chỉ dao động từ 10 -13 triệu đồng/m2 cho khu vực view biển, 17 – 18 triệu/m2 mặt tiền đường lớn và khoảng 18-20 triệu/m2 cho lô mặt tiền biển, rẻ hơn nhiều lần.
Sức hút từ hạ tầng giao thông
Theo Hội môi giới BĐS Việt Nam, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng thị trường các tỉnh Tây Nam Bộ đã bắt đầu sôi động trở lại trong quý 3/2020. Nhất làsau khi Chính Phủ phê duyệt đầu tư hàng loạt tuyến lộ cao tốc và các cây cầu mới nối Tp.HCM và rút ngắn cự ly, thời gian đến các tỉnh Miền Tây đã tạo sự sôi động cho thị trường BĐS nơi đây. Không chỉ các địa danh truyền thống, NĐT bắt đầu để mắt đến các thị trường mới nổi, nhưng giàu tiềm năng về phát triển du lịch, giá còn mềm, dư địa tăng giá còn lớn…
Tại Hội nghị đánh giá kết quả hai năm triển khai Nghị quyết 120 của Chính phủ về Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, diễn ra vào tháng 6 vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất phân bổ 45.000 tỷ đồng (tương đương hai tỷ USD) cho khu vực này trong 5 năm tới. Thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải, sắp tới tập trung hoàn thành các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trong vùng đã được bố trí vốn.
Ở đường bộ, các tuyến quốc lộ, cao tốc trục dọc, trục ngang sẽ xây dựng hoàn chỉnh để kết nối Tp.HCM với miền Tây, bao gồm: cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ; tuyến Sóc Trăng – Cần Thơ – Châu Đốc; tuyến Hà Tiên – Rạch Giá – Bạc Liêu… và nâng cấp các tuyến Quốc lộ 30, 53, 54, 57, 61.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông sẽ hoàn chỉnh tuyến vành đai 3, vành đai 4 tại Tp.HCM, kết nối thành phố với các tỉnh Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
Tính chung trong giai đoạn 2017-2020, có đến 11 dự án đường bộ cao tốc đã và dự kiến hoàn thành với tổng chiều dài 654km từ Bắc đến Nam. Đây là những công trình trọng điểm góp phần đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa tại các tỉnh thành miền Tây và tạo cơ hội thu hút đầu tư BĐS vào khu vực này.
Gần đây nhất, ngày 15.10 vừa qua đã thông xe cao tốc Lộ Tẻ – Rạch Sỏi. Đây được xem là tuyến cao tốc thứ 2 về miền Tây. Tuyến đường dài 70km, rộng 17 m, được xây dựng theo chuẩn đường cao tốc loại A, có 4 làn xe ô tô lưu thông với vận tốc 80 km/giờ. Điểm đầu kết nối với cầu Vàm Cống, TP. Cần Thơ. Điểm cuối tại Châu Thành, Kiên Giang, kết nối với dự án tuyến tránh Rạch Giá. Theo tính toán, cao tốc sẽ giúp khu vực từ Rạch Giá đền Cần Thơ còn 50 phút và và TP. Hà Tiên còn khoảng 2 giờ thay vì 3 giờ như trước đây. Song song đó, đường Quốc lộ 80 đoạn từ thị trấn Kiên Lương đến cửa khẩu Quốc tế TP. Hà Tiên cũng đã thi công vào đầu tháng 6 năm nay, vận tốc 60km/h, dự kiến thông xe vào Quý 1/2021.
Các chuyên gia cũng cho rằng, các khu vực mới của miền Tây Nam Bộ dù chưa nổi trội về yếu tố kinh tế, xã hội nhưng tiềm năng về phát triển hạ tầng cũng như những định hướng của tỉnh đã và đang tạo tiền đề rõ nét để thu hút các doanh nghiệp lớn đổ về đây tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Trong đó, thị trường BĐS đã có dấu hiệu rục rịch vài năm trở lại đây. Với các dự án được quy hoạch bài bản, hạ tầng đồng bộ ghi nhận thanh khoản của dự án khá tốt. Cũng như các thị trường khác, phần lớn NĐT đến từ khu vực Tp.HCM tìm kiếm cơ hội đầu tư trong lâu dài tại Tây Nam Bộ.
Theo hầu hết các chuyên gia trong ngành, thị trường BĐS hậu Covid-19 không có nhiều điều kiện thuận lợi đối với nhà đầu tư lướt sóng. Những khu vực có ưu thế về quỹ đất, không gian, kết nối vùng, ven biển… hứa hẹn sinh lời tốt khi hạ tầng hoàn thiện trong tương lai.
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận nhà ở CBRE Việt Nam cho hay, nguồn cầu lớn về nhà ở vẫn tiếp tục tăng cao trong khi trên địa bàn thành phố hạn chế cấp phép dự án mới, xu hướng dòng tiền dịch chuyển của các nhà đầu tư tại Tp.HCM sang các tỉnh lân cận đang trở nên mạnh mẽ. Nếu hạ tầng kết nối tốt, các địa phương phát triển các khu kinh tế mới gắn liền với việc phát triển các khu đô thị quy mô tại các khu đô thị vệ tinh thì khả năng sinh lợi từ các dự án này sẽ thực sự hiệu quả.