Đồng bằng sông Cửu Long, còn gọi là miền Tây, là vùng đất phù sa với nông nghiệp là ngành chính. Quỹ đất lớn, cộng với lợi thế thiên nhiên sông nước đang thu hút sự chú ý của nhiều doanh nghiệp bất động sản.
Miền Tây Nam Bộ có tất cả 13 tỉnh bao gồm: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau. Trong khi thị trường Phú Quốc (Kiên Giang), Long An đã nhộn nhịp từ khá lâu thì nay làn sóng đầu tư dự án BĐS Miền Tây bắt đầu lan sang các tỉnh khác của miền Tây Nam Bộ như Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang, Cần Thơ…
Không khó để tìm kiếm được nhiều cái tên của các ông lớn ngành địa ốc liên tục rót vốn vào những thị trường Tây Nam Bộ trong thời gian ngắn gần đây như Vingroup, FLC, T&T, Novaland, TNR, Cát Tường Group….. Nếu Kiên Giang chiếm ưu thế với phân khúc đô thị lấn biển, tổ hợp kinh doanh thương mại hay BĐS du lịch nghỉ dưỡng thì BĐS Miền Tây Nam Bộ lại thu hút giới đầu tư chủ yếu bởi yếu tố các dự án BĐS gần khu công nghiệp.
Tại Đồng Tháp, thị trường bất động sản cũng đón dự án Vincom Plaza Cao Lãnh của Vingroup và gần đây nhất là khu đô thị FLC La Vista Sadec của Tập đoàn FLC với quy mô 15ha, định hướng trở thành một khu đô thị đầy đủ tiện ích, là không gian sống tiêu chuẩn cao đồng thời cũng là điểm đến mua sắm, giải trí lý tưởng của người dân cũng như du khách vùng Tây Nam Bộ.
Còn tại Cần Thơ, ông lớn trong ngành địa ốc Novaland đã phối hợp với Azerai khai trương Resort Azerai Cần Thơ tại Cồn Ấu. Đây là dòng khách sạn mang thương hiệu Azerai đầu tiên tại Việt Nam, với 30 bungalow với 60 phòng nghỉ và 45 căn biệt thự cao cấp timeshare. Ngoài Novaland, KITA Group cũng đầu tư dự án Stella Mega City. Dự án có quy mô hơn 150 ha, vốn đầu tư hơn 10.000 tỉ đồng với nhiều phân khu chức năng như nhà ở, thương mại, giải trí.
Được xem là “người em” của trung tâm Cần Thơ, Hậu Giang là thị trường BĐS có sức nóng khá mạnh bởi dư địa rộng lớn, nhân lực cao, vị trí địa lý thuận lợi. Ưu điểm của Hậu Giang là có quỹ đất dồi dào, hạ tầng giao thông đồng bộ cả về đường thủy và bộ, vị trí gần với TP Cần Thơ. Hiện tỉnh có 9 cụm công nghiệp (CCN)-KCN với tổng diện tích hơn 5.000ha, trong đó có 6 KCN hiện đã đạt tỉ lệ lấp đầy từ 70-100%, quy tụ khoảng 24.314 lao động đang làm việc.
Ông Nguyễn Huỳnh Đức, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hậu Giang cho biết, tính tới thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 62 dự án bất động sản được tỉnh chấp thuận cho doanh nghiệp tiếp cận và phát triển. Có thể kể đến: Tập đoàn DIC khởi công dự án DIC Victory City Hậu Giang, Tập đoàn Vingroup đầu tư trung tâm thương mại Vincom, Khu dân cư Vạn Phát Sông Hậu (huyện Châu Thành), Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Bất động sản TNR Holdings với khu đô thị mới thị xã Ngã Bảy 2, tỉnh Hậu Giang với diện tích sử dụng đất 10,6ha.
Mới đây, thành phố Vị Thanh còn đón thêm tín hiệu tích cực khi tại đây lần đầu tiên hình thành một khu đô thị tích hợp. Dự án Vị Thanh New City do ba “ông lớn” gồm: Công ty CP Liên Minh, Công ty Băng Dương và Sakura Group bắt tay thực hiện. Với quy mô 35 ha gồm 1.375 căn shophouse, nhà phố liền kề và biệt thự đây là dự án được phát triển với mô hình ‘all-in-one’, hiện đại bậc nhất khu vực phía Tây Nam Bộ, đáp ứng mọi nhu cầu giáo dục, mua sắm, vui chơi giải trí, rèn luyện chăm sóc sức khỏe cho mọi thế hệ ngay trong khuôn viên.
Sự có mặt của những con “sếu đầu đàn” hội tụ tại khu vực Tây Nam Bộ là dấu hiệu rõ nét nhất cho thấy bức tranh đầy triển vọng của bất động sản Tây Nam Bộ. Dù thực chất giá trị bất động sản miền Tây vẫn chưa thể sánh ngang với các điểm nóng truyền thống, nhưng vẫn cho thấy sức hấp dẫn rõ rệt từ cuối năm 2018 khi nhiều dự án đất nền – nhà phố ở các tỉnh như Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long đang có số lượng giao dịch vượt dự kiến.
Khảo sát thực tế cho thấy, hiện nay khu vực các tỉnh phía Bắc, giá đất nền tại các dự án khu đô thị trung tâm thành phố như Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang đều đạt ngưỡng trên dưới 2 tỷ/nền 90-100 m2 thì tại Tây Nam Bộ không khó tìm những nền đất giá chỉ khoảng 1 tỷ đồng/nền tại nhiều dự án đô thị nằm giữa các thành phố lớn. Đây cũng là lý do nhà đầu tư đang rời dần thị trường miền Bắc khi cơn sốt chững dần để đổ vào BĐS miền Tây Nam Bộ nơi quỹ đất rẻ, tiềm năng tăng giá còn lớn.
Trao đổi với chúng tôi, chị Lan một nhà đầu tư đến từ Hà Nội cho biết chị vừa rút tiền ra khỏi Thanh Hóa, Bắc Giang có ý định vào BĐS miền Tây Nam Bộ để đầu tư. “Khu vực phía Bắc giá đã tăng mạnh từ năm ngoái nên giờ đầu tư tiếp là một sự mạo hiểm lớn. Trong khi giá đất nền trong khu đô thị tại các tỉnh Tây Nam Bộ chỉ bằng 1/2, 1/3 giá đất các tỉnh phía Bắc. Thậm chí có những nền đất trong khu đô thị giữa thành phố giá chỉ chưa đến 10 triệu đồng/m2. Giá đất thấp trong bối cảnh hạ tầng khu vực này đang được đầu tư mạnh mẽ, BĐS khu công nghiệp nở rộ nên tôi đang hướng dòng tiền sang thị trường này”, chị Lan cho biết.
Theo đánh giá của các chuyên gia, trong thời gian tới khi nhu cầu nhà ở tại các tỉnh Tây Nam Bộ tăng cao do đều là khu vực đang phát triển nhiều khu công nghiệp, thu hút hàng triệu lao động và các chuyên gia đến làm việc. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng kết nối các địa phương, các vùng với nhau ngày càng đồng bộ, thuận tiện. Rào cản tâm lý về khoảng cách và thời gian di chuyển dần được xóa bỏ. Sự dịch chuyển của các tập đoàn BĐS lớn ra các tỉnh lẻ xây dựng KĐT khiến nhà đầu tư càng tin vào tiềm năng gia tăng giá trị các dự án tại thị trường này. Từ đó hình thành nên làn sóng đầu tư và ngày càng tăng nhiệt.
Nam Anh
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị